Dấu hiệu nhận biết rối loạn kinh nguyệt
Ngày đăng: 20.04.2021
Tư vấn y khoa:
Rối loạn kinh nguyệt là một hiện tượng bất thường của kỳ kinh nguyệt có thể xảy ra ở mọi nữ giới. Thậm chí với nhiều chị em tình trạng rối loạn kinh nguyệt còn kéo dài từ lúc bắt đầu dậy thì cho đến khi mãn kinh. Tuy nhiên cũng có những trường hợp chỉ bị rối loạn kinh nguyệt ở một giai đoạn nào đó và nó có thể gây ra nhiều sự ảnh hưởng tới sức khỏe và cả khả năng sinh sản. Vậy rối loạn kinh nguyệt là gì? Các dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp các chị em hiểu hơn về vấn đề này.
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Rối loạn kinh nguyệt được hiểu là các vấn đề bất thường xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Đây vốn là một hiện tượng sinh lý xảy ra ở cơ quan sinh sản nữ giới, bắt đầu từ quá trình hình thành trứng và kết thúc bằng việc ra máu kinh nguyệt.
Một kỳ kinh nguyệt được xem là bình thường khi chu kỳ kinh xảy ra đều đặn với số ngày hành kinh không vượt quá 7 ngày và lượng máu kinh dao động từ 30 – 80ml. Tùy theo cơ địa của từng người mà độ dài kỳ kinh nguyệt sẽ có sự khác nhau. Nó có thể dao động từ 21 – 35 ngày.
Tuy nhiên khi kinh nguyệt có sự thay đổi bất thường về độ dài vòng kinh so với các chu kỳ trước hay số ngày ra máu kinh, lượng máu kinh, màu sắc máu… thì được xem là tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Các dấu hiệu rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở mọi nữ giới và nó thường biểu hiện qua những dấu hiệu khác nhau. Điều này còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt ở từng trường hợp.
Các chị em có thể xác định mình bị rối loạn kinh nguyệt khi gặp phải các triệu chứng sau:
– Kinh nguyệt đến sớm:
Là tình trạng kinh nguyệt đến sớm hơn các chu kỳ trước 1 tuần hoặc nhiều hơn. Hoặc trong vòng 1 tháng mà nữ giới bị ra máu kinh tới 2 lần.
– Kinh nguyệt đến muộn:
Là hiện tượng kì kinh nguyệt đến muộn hơn so với các chu kỳ trước đó quá 7 ngày. Nó còn được gọi là tình trạng chậm kinh hay trễ kinh.
– Không có kinh:
Thường được gọi là vô kinh hay mất kinh. Xảy ra khi nữ giới quá tuổi dậy thì (18 tuổi) nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt hoặc bị mất kinh liên tục trong nhiều tháng liền.
– Lượng máu kinh bất thường:
Lượng máu kinh bình thường ở một nữ giới thường dao động từ 30 – 80ml. Tuy nhiên khi bị rối loạn kinh nguyệt, nữ giới có thể chỉ ra 1 ít máu (<10ml) hoặc ra quá nhiều máu (> 100ml).
– Rong kinh:
Thông thường nữ giới sẽ bị ra máu kinh trong khoảng từ 3 – 5 ngày hoặc tối đa 7 ngày. Nhưng một số nữ giới có thể gặp phải tình trạng ra máu kinh kéo dài quá 10 ngày, thậm chí là nửa tháng. Đây là tình trạng rong kinh, một dấu hiệu kinh nguyệt khá phổ biến ở nữ giới.
– Màu sắc máu kinh bất thường:
Ở đầu chu kỳ kinh nguyệt, màu sắc máu kinh thường có màu đỏ tươi và sẫm dần về cuối. Tuy nhiên khi bị rối loạn kinh nguyệt, các chị em có thể có các dấu hiệu máu kinh có màu nâu hoặc màu đen, kèm theo tình trạng vón cục bất thường…
– Đau bụng kinh:
Tình trạng đau bụng kinh là dấu hiệu thường gặp khi có kinh nguyệt. Tuy nhiên với các trường hợp bị đau bụng kinh dữ dội, quằn quại kéo dài từ đầu kì nguyệt san cho đến khi kết thúc thì có thể là dấu hiệu của tình trạng rối loạn kinh nguyệt.
Các nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Theo các chuyên gia sản phụ khoa, hiện tượng rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó phổ biến nhất là do các yếu tố sau:
+ Do tuổi dậy thì
Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là một vấn đề rất phổ biến. Hầu hết các bạn gái khi mới bước vào tuổi dậy thì đều có kì kinh nguyệt không đều, với nhiều dấu hiệu rối loạn từ nặng đến nhẹ.
Điều này là bởi đây là thời kỳ mà buồng trứng và tử cung mới đi vào hoạt động nên chưa được ổn định. Và điều đó sẽ kéo theo việc chu kỳ kinh bị rối loạn bất thường. Phải sau vài năm vấn đề này mới được cải thiện.
+ Do sinh nở
Thông thường khi mang thai nữ giới sẽ không có kinh nguyệt và hiện tượng này sẽ trở lại sau sinh. Tuy nhiên sau khi sinh xong, kỳ kinh nguyệt của các chị em rất dễ bị rối loạn.
Bởi lúc này các cơ quan sinh sản như tử cung, buồng trứng vẫn chưa hồi phục lại trạng thái ban đầu. Cùng với đó là lượng nội tiết tố trong cơ thể cũng chưa ổn định và ảnh hưởng của việc cho con bú. Tất cả các yếu tố này sẽ khiến nhiều chị em bị rối loạn kinh nguyệt sau sinh với các biểu hiện như kinh ra ít, kinh ra nhiều, vòng kinh kéo dài, rong kinh…
+ Rối loạn nội tiết tố
Nội tiết tố là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ. Do đó, khi nội tiết tố trong cơ thể bị tăng giảm bất thường, các chị em sẽ rất dễ gặp phải các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt.
+ Do tâm lý:
Tâm lý cũng là một yếu tố chi phối tới hoạt động chu kỳ kinh nguyệt. Một nữ giới có tâm lý ổn định, thoải mái và vui vẻ thì thường có kỳ kinh nguyệt đều đặn. Ngược lại, những chị em thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi kéo dài sẽ dễ khiến kỳ kinh bị rối loạn bất thường.
+ Môi trường sống thay đổi
Sự thay đổi môi trường sống đột ngột cũng là nguyên nhân khiến nhiều nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt. Bởi khi cơ thể chưa kịp thích ứng với môi trường mới, nó sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, trong đó có các bộ phận sinh sản. Điều đó kéo theo tình trạng rối loạn kinh nguyệt bất thường cho các chị em phụ nữ.
+ Do chế độ ăn uống
Khi cơ thể không được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Nó sẽ làm cản trở sự kích thích của não để tiết ra estrogen. Và khi hàm lượng estrogen trong cơ thể thấp sẽ gây ảnh hưởng tới việc rụng trứng và khiến cho kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Đó là lý do mà các chị em có thể gặp các vấn đề như kinh nguyệt ra ít, tắc kinh, kinh đến muộn…
Việc cơ thể không được cung cấp đủ các dưỡng chất cần thiết cũng sẽ gây cản trở sự kích thích của não tiết ra estrogen. Khi hàm lượng estrogen thấp sẽ làm ảnh hưởng đến việc rụng trứng và khiến cho kỳ kinh nguyệt của chị em có thể ra ít hơn bình thường.
+ Do bệnh lý
Những thương tổn do các căn bệnh viêm nhiễm phụ khoa hay bệnh tử cung, buồng trứng… đều có thể gây tác động đến chu kỳ kinh nguyệt của nữ giới. Một số căn bệnh điển hình có thể gây kinh nguyệt không đều phổ biến có thể kể đến như: viêm cổ tử cung, viêm vùng chậu, viêm buồng trứng, viêm tử cung, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, polyp cổ tử cung, ung thư…
Thông thường với mỗi diện bệnh, các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt sẽ khác nhau và chúng thường đi kèm với một loạt các dấu hiệu bất thường khác, gây tổn hại đến sức khỏe người bệnh.
+ Các nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt kể trên thì trên thực tế vẫn có một số nguyên nhân khác gây ra tình trạng này như:
- Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày, thuốc tránh thai khẩn cấp
- Ảnh hưởng của các loại thuốc điều trị bệnh như thuốc kháng sinh, thuốc an thần…
- Vận động quá sức
- Sử dụng nhiều bia rượu, thuốc lá, các chất kích thích
- …
Bị rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Việc nắm được tình trạng rối loạn kinh nguyệt là gì không quá khó. Tuy nhiên nhiều chị em mặc dù biết được hiện tượng rối loạn kinh nguyệt là như thế nào nhưng lại không biết được nó có thể gây ra những sự nguy hại nào.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt trong thời gian dài thì có thể gây ra những hệ lụy nguy hại sau:
– Ảnh hưởng tới khả năng sinh sản
Kinh nguyệt là một yếu tố giúp các chị em xác định được thời gian thụ thai và ngừa thai hiệu quả. Tuy nhiên với những người bị rối loạn kinh nguyệt thì điều này rất khó khăn. Việc rụng trứng bất thường khiến họ khó căn được thời gian thụ thai chính xác để quan hệ, do đó nguy cơ mang thai sẽ thấp hơn.
Đặc biệt với những trường hợp bị rối loạn kinh nguyệt do bệnh lý thì nó có thể làm cản trở quá trình thụ tinh giữa tinh trùng và trứng. Hoặc khiến trứng không vào làm tổ bên trong tử cung hay thậm chí là tăng nguy cơ sảy thai. Những vấn đề này nếu không được xử lý sẽ là nguyên nhân gây vô sinh cho phái nữ.
– Tăng nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa, bệnh lây truyền qua đường tình dục
Hiện tượng kinh nguyệt bị rối loạn gây rong kinh, kinh ra nhiều bất thường… sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, kí sinh trùng tấn công vào vùng kín. Đặc biệt là khi các chị em không chú ý vẫn đề vệ sinh vùng kín hay quan hệ tình dục không an toàn. Nó sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, bệnh phụ khoa hay bệnh lây truyền qua đường tình dục vô cùng nguy hại.
– Gây thiếu máu
Với những trường hợp bị rong kinh kéo dài, hay ra lượng máu kinh lớn… có thể gây ra tình trạng thiếu máu. Nếu lượng máu mất đi quá lớn, nó sẽ khiến chị em dễ bị mệt mỏi, xanh xao, hoa mắt, chóng mặt, thở gấp. Trong trường hợp nặng, vấn đề này có thể gây ảnh hưởng tới tính mạng.
– Gây các bệnh phụ khoa ác tính
Những căn bệnh gây rối loạn kinh nguyệt như viêm cổ tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang… nếu không chữa trị kịp thời và triệt để. Chúng có thể dẫn tới các căn bệnh ác tính nguy hại như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng…
– Ảnh hưởng tới làn da
Sự thay đổi bất thường của kỳ kinh nguyệt cũng sẽ làm ảnh hưởng đến làn da của nữ giới. Các chị em sẽ thấy làn da của mình xuất hiện các vết sạm, nám, tàn nhang. Đặc biệt việc đào thải các độc tố ra bên ngoài ở da sẽ kém hơn do đó tốc độ hóa da sẽ nhanh hơn. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhan sắc của người phụ nữ.
– Làm giảm chất lượng cuộc sống
Khi bị rối loạn kinh nguyệt, đa phần các chị em thường cảm thấy lo lắng, mệt mỏi và bất an. Hơn nữa, các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt cũng khiến cho họ cảm thấy khó chịu. Tất cả những yếu tố này sẽ gây tác động tới đời sống sinh hoạt, làm giảm hiệu quả công việc, kết quả học tập… Bên cạnh đó nó cũng ảnh hưởng tới đời sống tình dục và hôn nhân của các chị em phụ nữ.
Cách điều trị rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới
Việc chữa trị tình trạng rối loạn kinh nguyệt cần dựa trên nguyên tắc điều trị theo nguyên nhân. Do đó, các chị em phụ nữ cần phải đi thăm khám tại các cơ sở y tế để được bác sĩ chẩn đoán về nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách khắc phục tình trạng này hiệu quả nhất.
Có thể kể đến một số phương pháp điều trị rối loạn kinh nguyệt thường được áp dụng hiện nay gồm:
+ Liệu pháp tâm lý
Đây là cách điều trị dành cho những chị em bị rối loạn kinh nguyệt do yếu tố tâm lý. Mục đích của phương pháp này là giúp các chị em giải tỏa và loại bỏ các áp lực căng thẳng, giữ cho tâm lý được thoải mái, ổn định… Điều đó sẽ giúp cho chu kỳ kinh nguyệt dần trở về quỹ đạo vốn có.
+ Thay đổi thói quen sinh hoạt
Để giúp chu kỳ kinh nguyệt ổn định, việc thay đổi các thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống cũng là điều cần thiết. Theo đó những nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt thường được khuyến nên duy trì các thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Việc bố trí thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý và vận động thể thao vừa sức… cũng sẽ giúp các chị em cải thiện tình trạng rối loạn kinh nguyệt hiệu quả.
+ Điều trị bằng nội khoa
Với những nữ giới bị rối loạn kinh nguyệt do nội tiết tố hay các bệnh lý thông thường, ở mức độ nhẽ. Bác sĩ sẽ cân nhắc cho người bệnh điều trị bằng các loại thuốc phù hợp. Đó có thể là thuốc nội tiết tố, thuốc kháng sinh, kháng viêm, giảm đau… Chúng có công dụng giúp ổn định nội tiết tố cơ thể, khắc phục các tổn thương do bệnh lý gây ra. Từ đó giúp cho kinh nguyệt bình thường trở lại.
+ Chữa trị bằng ngoại khoa
Với các diện bệnh phụ khoa phức tạp hay phát triển ở mức độ nặng mà việc điều trị bằng nội khoa không cho kết quả. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định cho người bệnh điều trị bằng các biện pháp ngoại khoa như phẫu thuật, mổ nội soi hay đốt điện, đốt laser… thích hợp. Các phương pháp này sẽ giúp hỗ trợ loại bỏ hoàn toàn các thương tổn do bệnh gây ra và khắc phục triệt để tình trạng rối loạn kinh nguyệt cho nữ giới.
* Lưu ý: Hiện nay có nhiều chị em ngại đi thăm khám phụ khoa nên thường tự ý lựa chọn áp dụng các cách chữa rối loạn kinh nguyệt tại nhà bằng các phương pháp dân gian, thuốc nam hay thuốc đông y…
Tuy nhiên các bạn cần lưu ý việc áp dụng các phương pháp này có thể không mang đến hiệu quả tích cực. Thậm chí nếu sử dụng không đúng cách, nó còn có thể khiến cho tình trạng rối loạn kinh của bạn càng trở nên nghiêm trọng hơn. Tốt nhất, các bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi áp dụng các cách điều trị này.
Trên đây là một số thông tin giải đáp về tình trạng rối loạn kinh nguyệt là gì? Hi vọng rằng thông qua những chia sẻ này các chị em đã hiểu rõ hơn về hiện tượng rối loạn kinh nguyệt để từ đó có cách nhận biết, điều trị cũng như phòng tránh hiệu quả. Nếu các bạn còn bất cứ thắc mắc gì về vấn đề này, hãy liên hệ trực tiếp với các chuyên gia của chúng tôi để được giải đáp cụ thể hơn.